Nâng cao hiệu quả quản lý tổ chuyên môn

Lượt xem:

Đọc bài viết

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

GD&TĐ – Trong các trường phổ thông, tổ chuyên môn luôn được ví như “thợ cả” trong việc góp phần có tính quyết định để xây dựng “ngôi nhà giáo dục” của nhà trường phát triển toàn diện và bền vững.

Nhưng trong thực tế, không phải tổ chuyên môn nào cũng đáp ứng được các nhiệm vụ của người “thợ cả”, hiệu quả giảng dạy và học tập chưa cao, “thương hiệu” của từng tổ chuyên môn ở mỗi trường chưa được khẳng định. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục chung của trường và của ngành giáo dục.

Gần 20 năm làm công tác quản lý tổ chuyên môn, hai cô giáo Nguyễn Thị Kim Oanh và Hứa Thị Cúc (Trường THPT Phan Chu Trinh – Bình Thuận) đã đúc kết nhiều kinh nghiệm quý trong quản lý tổ chuyên môn, đã áp dụng có hiệu quả tại Trường THPT Phan Chu Trinh.

Dưới đây là những chia sẻ của hai cô giáo Nguyễn Thị Kim Oanh và Hứa Thị Cúc:

Thống nhất chủ trương

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của tổ chuyên môn được quy định trong điều lệ trường phổ thông, đồng thời trên cơ sở kế hoạch các mặt hoạt động của trường, trong buổi họp tổ cuối mỗi năm học.

Sau khi tổng kết đánh giá các mặt hoạt động của tổ sau một năm học, chúng tôi đồng thời đưa ý kiến bàn bạc để thống nhất chủ trương và biện pháp thực hiện cho các kế hoạch chuyên môn của tổ ở năm sau.

Những chủ trương đã được các thành viên trong tổ thống nhất đó là: Tiếp tục củng cố tốt mối đòan kết nội bộ trong tổ; tập trung hòan thiện việc đổi mới cách dạy, cách học bộ môn của giáo viên và học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; thực hiện tốt và hiệu quả các chuyên đề về chuyên môn và công tác chủ nhiệm… Xây dựng kế hoạch tổ, nhóm và kế hoạch của từng cá nhân

Sau khi các chủ trương lớn đã được thống nhất, chúng tôi tiến hành cho các thành viên trong tổ đóng góp ý kiến để xây dựng kế hoạch tổ theo từng nhóm chuyên môn ở từng khối lớp.Các nhóm trưởng tổ chức họp nhóm để xây dựng kế hoạch nhóm và kế hoạch tổ vào cuối tháng 7 hàng năm.

Nội dung xây dựng kế hoạch tổ và nhóm và cá nhân cụ thể từ đầu năm theo định hướng nhiệm vụ chung của Ngành, của nhà trường, của bộ môn và cấp học.

Sau đó các nhóm trưởng chuyên môn tập hợp ý kiến của các thành viên trong nhóm ( đã được ghi trong sổ biên bản nhóm) và kế hoạch cá nhân của từng thành viên , nộp lại cho tổ trưởng và tổ phó chuyên môn vào đầu tháng 8 hàng năm.

Căn cứ vào ý kiến của các thành viên trong việc đóng góp xây dựng kế hoạch tổ, nhóm và kế hoạch của từng cá nhân, căn cứ vào kế năm học của nhà trường , tổ trưởng và tổ phó chuyên môn bàn bạc và xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn từng cho tổ. Kế hoạch này gồm hai phần: Kế hoạch chung toàn năm và kế hoạch chi tiết cho từng tuần, từng tháng, từng học kỳ.

Xem một phần kế hoạch chung và kế hoạch chi tiết ở từng tuần , tháng, học kỳ TẠI ĐÂY:

Phân công chuyên môn và vai trò trách nhiệm của các thành viên trong tổ

Căn cứ vào biên chế lớp học của trường ở từng khối lớp; căn cứ vào năng lực chuyên môn và tình trạng sức khỏe của từng thành viên trong tổ; tổ trưởng chuyên môn họp tổ cho các thành viên trong tổ đăng ký lớp dạy, lớp chủ nhiệm trên cơ sở dân chủ, công bằng, hợp lý.

Sau đó, phân công trách nhiệm cho từng thành viên trong tổ:

Mục đích của việc phân công trách nhiệm cho từng thành viên trong tổ. Việc phân công trách nhiệm cho từng thành viên cũng cần căn cứ vào năng lực, năng khiếu và lòng nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm của từng thành viên, từ đó có điều kiện phát huy thế mạnh và góp ý để khắc phục điểm yếu của từng người.

Thực tế, tổ chuyên môn là một đơn vị quản lý nhỏ, do vậy nó có chức năng hoạt động hành chính và hoạt động chuyên môn thường diễn ra trong các buổi sinh hoạt chuyên môn định kỳ.Tổ chức sinh hoạt tổ định kỳ

Do tính chất chuyên môn là chủ yếu, do vậy tổ trưởng chuyên môn cần xác định những nội dung về hành chính trong các khoảng thời gian và các hình thức sau đây:

Thống nhất về các quy định, quy chế làm việc từ tháng 8 các năm học; Thống nhất các nội dung hành chính trong các cuộc họp đầu tháng được tổ chức toàn trường;

Công bố các nội dung về hành chính được điều chỉnh bằng thông báo của Hiệu trưởng và các tổ trưởng trên các phương tiện thông tin của trường, đặc biệt là website và hòm thư cá nhân. Như vậy, nội dung sinh hoạt hành chính của tổ giảm thiểu rất nhiều.

Kế hoạch từng phần việc có thể tiến hành như sau: Thống nhất cơ chế làm việc và phân công chuyên môn : ½ ngày trong tháng 8 + Hoạt động sơ kết ½ ngày sau khi kết thúc kỳ 1; Hoạt động tổng kết ½ ngày khi kết thúc năm học. Hoạt động sự vụ hành chính (nếu có) là 25% dung lượng thời gian trong các buổi sinh hoạt.

Nội dung về hành chính cần ngắn gọn với các nội dung thiết thực quan trọng cần trưng cầu ý kiến tập thể. Các nội dung còn lại là các thông tin mang tính quyết định thực hiện.

Tổ chức nội dung chuyên môn

Các bước thực hiện một buổi sinh hoạt trong đơn vị tổ gồm: Xác định mục đích, yêu cầu; Phân công chủ trì/thư ký; tổ trưởng chuẩn bị nội dung sinh hoạt; trao đổi, thảo luận các nội dung sinh hoạt; thống nhất các nội dung đã trao đổi, thảo luận.

Các nội dung chuyên môn cần tập trung: Thống nhất nội dung chương trình của tuần, tháng; các nội dung về đổi mới phương pháp; các nội dung về chi tiết khó, bài khó, chương khó; hội thảo ngắn về tình huống sư phạm trong dạy và chủ nhiệm…

Lưu ý: Do dung lượng thời gian ngắn, người tổ trưởng phải bố trí được nội dung phù hợp cho 3 tuần sinh hoạt. Về nội dung hội thảo, không nhất thiết phải là vấn đề lớn mà có thể là 1 chi tiết rất nhỏ cần khắc phục được đưa ra mà thôi.

Tổ chức các hoạt động chuyên đề

Đây là một trong những nội dung hoạt động có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả dạy và học cho giáo viên và học sinh ở từng bộ môn.

Kế hoạch chuyên đề đã được các nhóm và tổ chuyên môn bàn bạc, thống nhất trên cơ sở kế hoạch chuyên môn chung của trường từ đầu năm học.

Hàng tháng tổ trưởng chuyên môn có trách nhiệm lên kế hoạch và trình hiệu phó chuyên môn để lên kế hoạch chung trong tháng cho toàn trường.

Các chuyên đề về chuyên môn phải thiết thực và có tính khả thi, gắn với những yêu cầu và nhu cầu cụ thể trong quá trình dạy học, phù hợp với đối tượng dạy học và đặc điểm tình tình của trường.

Lên kế hoạch tổ chức, thực hiện hoạt động dự giờ- thao giảng

Ngay từ đầu năm, trong bản đăng ký kế hoạch cá nhân của từng thành viên, chúng tôi yêu cầu tất cả mọi người phải đăng ký cụ thể : Tổng số tiết dự giờ trong năm; tổng số tiết thao giảng trong năm; thời gian, tên bài dạy thao giảng.

Căn cứ vào kế hoạch dự giờ, thao giảng của từng cá nhân, chúng tôi lên lịch dự giờ chuyên đề cụ thể ở từng tuần và thông báo lên bảng công tác tổ để tất cả mọi thành viên trong tổ theo dõi, thực hiện.

Tất cả các tiết thao giảng và dự giờ chuyên đề, chúng tôi đều xếp lịch vào các tiết 2,3,4 ở chiều thứ 4 hàng tuần. Như vậy tất cả mọi thành viên đều tham gia đầy đủ.

Hoạt động rút kinh nghiệm giờ dạy của giáo viên

Đây có thể nói là một hoạt động quan trọng nhất trong việc dự giờ, thăm lớp. Nắm được vai trò và ý nghĩ của hoạt động đó,chúng tôi đã chủ động giúp giáo viên thực hiện tốt nhất quyền tự chủ của mình.

Khác với cách làm trước đây, giáo viên ít khi được góp ý bài dạy của đồng nghiệp hoặc có góp ý cũng rất e dè chưa mạnh dạn thì nay chúng tôi đã tạo điều kiện để giáo viên khắc phục tình trạng này bằng cách cho giáo viên ghi lại những ý kiến đóng góp của mình vào phiếu dự giờ, khi sinh hoạt chuyên môn, mỗi giáo viên dựa vào phiếu đó để phát biểu ý kiến xây dựng tiết dạy.

Nếu trong tiết dạy có nhiều ý kiến đóng góp trái ngược nhau thì Tổ trưởng sẽ trực tiếp thống nhất ý kiến với các giáo viên để đi đến kết luận và có thể chỉ đạo giáo viên dạy lại tiết dạy đó để mỗi giáo viên thực sự hết những thắc mắc băn khoăn về tiết dạy.

Một điểm cũng rất quan trọng là chúng tôi đã chủ động đưa các giáo viên đến dự các tiết dạy cùng nhau của các giáo viên khác nhau, trên cơ sở đó giáo viên dự giờ sẽ rút kinh nghiệm qua mỗi tiết dạy và sẽ học được ở mỗi người dạy cách chủ động sáng tạo khi xử lí tình huống.

Hoạt động thao giảng – dự giờ 

Hầu như tuần nào chúng tôi cũng tổ chức được ít nhất một chuyên đề của một tổ khối, có những tuần cả 3 khối đều có tiết dạy chuyên đề. Trong mỗi tiết dạy chuyên đề chúng tôi đều chọn các giáo viên dạy một cách phù hợp và thường chia ra để tạo điều kiện cho mỗi giáo viên đều có cơ hội tham gia chuyên đề một cách có hiệu quả nhất.

Lên kế hoạch cụ thể cho việc dự giờ trong từng tuần, tháng đã giúp giáo viên tự giác, tích cực hơn rất nhiều trong hoạt động dự giờ.

Nếu như trước đây giáo viên e ngại không đến dự giờ đồng nghiệp thì nay giáo viên đã chủ động hơn vì có lịch cụ thể. Đây là một hoạt động theo chúng tôi là rất có hiệu quả. Số lượng tiết dự giờ tăng lên (chỉ trong một học kỳ,mỗi giáo viên đã dự từ 25 đến 30 tiết, riêng tổ trưởng và tổ phó chuyên môn và các nhóm trưởng ,số tiết dự lên tới 40 tiết/học kỳ).

Trong các sổ dự giờ của mỗi thành viên, luôn kín những lời nhận xét đóng góp cho mỗi tiết dạy sau khi dự giờ một cách cụ thể, thiết thực. Từ đó mỗi giáo viên đã biết tự rút kinh nghiệm cho mình, phát huy ưu điểm, khắc phục các khuyết nhược điểm về nội dung , phương pháp sau mỗi giờ dạy, giờ dự.

Tổ chức, thực hiện hiệu quả các hoạt động ngoại khóa

Ngay từ đầu năm học, chúng tôi đã xác định và lên một kế hoạch ngoại khóa theo từng chủ đề, chủ điểm thiết thực bằng nhiều hình thức (sân khấu hóa, chiếu phim, thi sáng tác…)

Kế hoạch các hoạt động ngoại khóa bao giờ cũng được chúng tôi lên kế hoạch trước 2 tháng, sau đó trình kế hoạch cho Hiệu phó chuyên môn để chỉ đạo thực hiện.

Sau khi được Ban giám hiệu đồng ý, chúng tôi họp tổ để phân công thực hiện một cách cụ thể, chi tiết tới từng thành viên; đồng thời chúng tôi cũng thông báo kế hoạch ngoại khoá qua các phương tiện thông tin đến tận giáo viên và học sinh (bảng công tác tổ, thông báo trước chào cờ; trang wesite của trường…)

Quản lý hồ sơ chuyên môn

Về hồ sơ cá nhân, chúng tôi đã luôn quán triệt các thành viên trong tổ phải luôn thực hiện một cách nghiêm túc những quy định về hồ sơ sổ sách theo đúng quy chế chuyên môn.

Hàng tháng, chúng tôi có kế hoạch kiểm tra chuyên đề về hồ sơ chuyên môn : kiểm tra giáo án soạn chung xem có bổ sung hay không? kiểm tra sổ dự giờ xem có đánh giá, rút kinh nghiệm sau mỗi giờ dự hay không? Sổ điểm cá nhân có chấm tra bài đúng tiến độ chương trình hay không? Sổ tự học, sổ hội họp… có ghi chép, cập nhật đầy đủ các nội dung hay không?

Sau khi kiêm tra, chúng tôi có đánh giá xếp loại hồ sơ của từng thành viên, có góp ý rút kinh nghiệm và công khai kết quả kiểm tra trên bảng công tác và trang Website của trường, của tổ.

Hàng năm các loại Hồ sơ chuyên môn của tổ được cập nhật và phân loại theo từng loại ( có mục lục rõ ràng ), khi cần, có thể tìm và sử dụng một cách nhanh chóng và thuận lợi.

Phát huy hiệu quả của công tác thi đua

Luôn thực hiện nguyên tắc thi đua công bằng, dân chủ. Mỗi cuộc bình bầu, xếp loại cuối kỳ, cuối năm, đều căn cứ vào các tiêu chí thi đua của Bộ, của Sở.

Đồng thời , trong thi đua ở đơn vị tổ, chúng tôi cũng đã xây dựng được các quy định về các mặt hoạt động của tổ như một thứ “Hương ước” để các thành viên tham gia thực hiện.

Tất cả được lượng hóa cụ thể bằng những quy định nội dung – minh chứng và biểu điểm đánh giá nhiều cấp độ, để giúp giáo viên tự đánh giá, tự biết được mức thi đua đã đạt.

Mỗi thành viên sau khi tự đánh giá, tổ góp ý xây dựng, thống nhất mức điểm. Các danh hiệu thi đua đều được đánh giá bằng phiếu kín để đảm bảo tính khách quan, công bằng.

Sau khi toàn tổ đã thống nhất, chúng tôi gửi về Ban giám hiệu để tiếp tục Hội dồng thi đua và Hội đồng sư phạm đánh giá một lần nữa.

Với cách làm công khai, dân chủ trong thi đua của tổ như thế này, nên trong những năm qua, các thành viên tỏ ra “rất tâm phục, khẩu phục”, đồng thuận, vui vẻ.Từ đó vừa giúp các kích lệ các thành viên trong tổ phát huy mặt mạnh, khắc phục điểm yếu, dần hoàn thiện mà tốt hơn lên.

Nguồn: giaoducthoidai.vn