Anh hùng Trần Quốc Toản

TIỂU SỬ ANH HÙNG TRẦN QUỐC TOẢN

 

       Trần Quốc Toản (1267-1285) thuộc dòng dõi nhà vua và sinh vào năm Đinh Mão (1267). Ông lớn lên trong không khí cả nước náo nức chuẩn bị chiến đấu chống quân Nguyên sang cướp phá và xâm lược nước ta lần thứ hai (1285).

 

       Năm 1282, triều Trần đã tổ chức một cuộc hội nghị quân sự rất đặc biệt tại bến Bình Than (Hội nghị Bình Than). Tham dự hội nghị này là các quý tộc và các tướng lĩnh cao cấp nhất của nhà Trần. Bấy giờ, tuy là quý tộc, đã từng phong tới tước Hầu – Hoài Văn Hầu nhưng vì còn ở tuổi vị thành niên nên không được tham dự. Hoài Văn Hầu lấy đó làm điều hổ thẹn và căm tức lắm, tay đang cầm quả cam mà bóp nát lúc nào không hay. Khi về nhà, Trần Quốc Toản cùng với một ngàn người là tôi tớ và thân thuộc, sắm sửa binh khí và chiến thuyền, dựng cờ thêu sáu chữ “Phá cường địch, báo hoàng ân” (nghĩa là phá giặc mạnh, báo ơn vua). Khi đánh nhau với giặc Nguyên, Trần Quốc Toản thường xông ra phía trước, khiến cho giặc hễ thấy là phải tránh lui, không ai dám đối địch.

 

       Khi cuộc chiến tranh lần thứ hai nổ ra, Trần Quốc Toản cũng vừa đến tuổi thành niên. Đội quân hơn một ngàn người do Trần Quốc Toản lập ra và trực tiếp chỉ huy đã sát cánh chiến đấu với quân đội chủ lực của triều đình, lập được nhiều chiến công xuất sắc.

 

      Tháng 4 năm 1285, cùng với các vị danh tiếng khác như Chiêu Thành Vương, Nguyễn Khoái, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản được tham gia vào bộ chỉ huy chiến dịch Tây Kết. Trước khi đánh vào Tây Kết, quân sĩ của các tướng này đã tham gia chiến dịch Hàm Tử, góp phần rất lớn vào thắng lợi của chiến dịch Hàm Tử. Sau chiến thắng của chiến dịch Tây Kết, ông lại được cùng với Trần Quang Khải và nhiều tướng lĩnh khác như: Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyền … tham gia chiến dịch Thăng Long và Chương Dương. Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản đã anh dũng hi sinh trong chiến dịch này.

 

Nguồn http://vi.wikipedia.org