Nâng cao nhận thức trong học sinh trước vấn nạn bạo lực học đường

Lượt xem:

Đọc bài viết

Thời gian gần đây, tình trạng bạo lực học đường đang trở thành một vấn nạn nhức nhối cho toàn xã hội.Thật không khó nhận ra điều này, bởi chỉ cần lên Google đánh cụm từ “Học sinh đánh nhau” thì cần đợi vài mấy giây thì google sẽ dễ dàng cho ra kết quả những cụm từ liên quan đến việc học sinh dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Đây là một con số đáng báo động. Hoặc chỉ cần vào Youtube bạn sẽ thấy những hình ảnh, những thước phim bạo lực do học sinh quay lại và tung lên mạng. Những thước phim quay cảnh đấm đá dã man của các cô cậu mang đồng phục học trò đang đấm đá, xé áo, lột quần, túm tóc… gây ám ảnh cho người xem và nỗi đau về một thế hệ tuổi trẻ với những nhân cách đang bị băng hoại nghiêm trọng.

       Bạo lực học đường được hiểu  là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lí đạo đức, xúc phạm, trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học. Bạo lực học đường có thể xảy ra dưới nhiều hình thức như: xúc phạm, lăng nhục, đay nghiến, chà đạp nhân phẩm, danh dự người khác, làm tổn thương về mặt tinh thần thông qua lời nói, đánh đập, tra tấn, hành hạ dã man làm tổn thương về sức khỏe, xâm phạm cơ thể con người thông qua những hành vi bạo lực.

       Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, có thể kể ra những nguyên nhân. Những nguyên nhân tưởng chừng rất vô lý như “Nhìn đểu”, nói móc, hay tranh giành bạn trai của nhau hay cũng có khi là sự ghen tị về thành tích học tập, vẫn dẫn đến hành động “thích thì đánh cho nó chừa”, cũng có khi, học sinh cá biệt thành lập băng nhóm, liên kết các học sinh cá biệt ở lớp, khối khác để ức hiếp bạn bè. Tất cả những biểu hiện trên, xét cho cùng là do các em đã bị ảnh hưởng từ những thước phim và những trò chơi bạo lực.

Học sinh bị tiêm nhiễm từ lối cư xử của các đối tượng bên ngoài nhà trường, thậm chí từ ngay những người lớn trong gia đình.  Sự phát triển thiếu toàn diện, nhiều học sinh thiếu khả năng kiểm soát hành vi ứng xử của bản thân, coi việc dùng bạo lực là cách để giải quyết tất cả mọi mâu thuẫn. Bên cạnh đó, một nguyên nhân cũng cần phải nói ở đây đó là nhiều học sinh còn non nớt bởi thiếu kĩ năng sống, còn sai lệch trong quan điểm sống. Đây chính là hệ quả của sự giáo dục chưa đúng đắn, thiếu sự quan tâm của gia đình. Do vậy, một khi bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại thì bạo lực học đường sẽ vẫn còn nguy cơ gia tăng.

      Bạo lực học đường xảy ra đã dẫn đến hậu quả cực kì nghiêm trọng. Trước tiên là đối với nạn nhân (học sinh bị làm tổn thương): Khi bị bạo lực sẽ gây ra tổn thương về thể xác và tinh thần và hậu quả là nó ảnh hưởng đến kết quả học tập. Gây tổn hại, tổn thương cho gia đình, người thân, bạn bè của người bị hại. Gây bức xúc cho xã hội, dư luận, gây tâm lí hoang mang cho phụ huynh, thầy cô, bạn bè. Tuy nhiên, bạo lực học đường không chỉ gây hậu quả tới một phía là các nạn nhân mà ngay chính những người gây ra bạo lưc cũng phải lãnh hậu quả nghiêm trọng như: bị mọi người lên án, xa lánh, ghét bỏ. Ngạn ngữ có câu: “ hành vi tạo nên thói quen, thói quen tạo nên tính cách và tính cách tạo nên số phận”. Những em gây bạo lực thường xuyên lâu dần cũng sẽ tự làm mất tính nết của mình dù muốn hay không, con người cũng sẽ phát triển không toàn diện, lệch nề nếp. Đây chính là mầm mống của những tội lỗi, sai phạm sau này. Chính các em đã tự làm hỏng tương lai của chính mình, các em mất dần những cơ hội thành công cho chính mình, khi những người xung quanh không dành mấy thiện cảm.

       Để hạn chế tình trạng bạo  lực học đường ở học sinh, mọi thành viên trong xã hội cần quan tâm, nâng cao văn hóa gia đình bởi gia đình là nơi “hun đúc tài năng và là nơi hình thành nhân cách”, người lớn cần phải làm gương, ứng xử đúng mực, mạnh dạn lên án, loại bỏ bạo lực ra khỏi đời sống gia đình. Trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh trong cuộc sống hàng ngày, có thể xảy ra mâu thuẫn, có thể có lời qua tiếng lại. Nếu tình trạng này kéo dài, thì rất dễ làm cho tâm hồn con trẻ bị xáo trộn, bị tổn thương và có những ám ảnh không tốt.

      Song song với sự quan tâm của gia đình, đó còn là sự  phối hợp thường xuyên giữa ba môi trường giáo dục: Gia đình – Nhà trường – Xã hội. Nhà trường mà cụ thể ở đây là Đoàn thanh niên cần quan tâm tổ chức thực hiện việc dạy kĩ năng sống cho học sinh một cách nghiêm túc, hiệu quả  bằng cách tổ chức các cuộc nói chuyện, hội thi cho sinh động và hấp dẫn. Mỗi học sinh cần biết kìm chế bản thân, giữ cho trái tim luôn ấm nóng tình yêu thương, ý thức rõ ràng về hành động và hậu quả mình gây ra

       Sinh thời Bác Hồ kính yêu đã viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Mùa xuân là mùa khởi đầu của một năm, là mùa rất đẹp. Lời Bác dạy làm tuổi trẻ chúng ta phải suy nghĩ nhiều, tuổi trẻ chúng ta phải làm gì để xứng đáng là mùa xuân của xã hội. Các em học sinh là những chủ nhận của đất nước, trước ngưỡng cửa đời mình cần nâng cao nhận thức đúng đắn về vấn nạn bạo lực học đường. Cần sống và hành động có lí tưởng, sống với trái tim yêu thương, cùng với nhà trường và toàn xã hội đẩy lùi bạo lực ra khỏi học đường. Có như vậy, mỗi ngày đến trường mới thật sự là thêm một ngày vui và để học đường là nơi giáo dục nhân cách tốt đẹp nhất cho mỗi con người.

Đoàn Văn Hân