CÔ NGUYỄN THỊ THẢO- NGƯỜI TRUYỀN LỬA YÊU THƯƠNG

Lượt xem:

Đọc bài viết

            Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác(Usinxki). Câu nói ấy thật đúng với người giáo viên đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm. Khi bước vào nghề dạy học chắc hẳn ai cũng một lần được làm giáo viên chủ nhiệm. Với tôi, được chủ nhiệm lớp là một niềm vui. Người truyền cảm hứng cho tôi trong công việc không mấy nhẹ nhàng ấy chính là cô chủ nhiệm cấp ba của tôi- cô Nguyễn Thị Thảo.

Tôi nhớ rõ lắm, năm vào cấp ba là năm chúng tôi bước vào một bước ngoặt mới. Gần 50 đứa học trò ở nhiều trường, nhiều địa bàn khác nhau cùng về học chung một lớp. Cảm xúc lúc ấy thật lạ. Ai cũng bỡ ngỡ trước thầy mới, cô mới, bạn mới. Học cùng lớp mà mãi mới nhớ được tên đứa chung bàn, chung tổ. May mắn cho chúng tôi, giáo viên chủ nhiệm là cô giáo (Ngày đó chúng tôi sợ thầy chủ  nhiệm lắm).

Ấn  tượng của tôi về cô là một cô giáo nhỏ nhắn, giản dị, hiền lành.Vẻ chất phác hiện rõ trên khuôn mặt cô. Cô nói tiếng nghệ, giọng nói nhỏ nhẹ, tình cảm.Tôi nhớ không nhầm thì chẳng bao giờ cô quát nạt chúng tôi cả. Khi lớp vi phạm lỗi gì đó cô chỉ buồn buồn nhắc nhở, phân tích để chúng tôi thấy lỗi sai của mình. Lớp tôi hồi đó là lớp đầu khối, tập trung khá nhiều thành phần ưu tú nhưng cũng có vài bạn cá tính đặc biệt nên lắm lúc cô rất đau đầu. Thời đó, chúng tôi không có những trò nghịch ngợm  như học sinh bây giờ nhưng chuyện cúp học, xích mích gây gổ …..thì không thiếu. Vào lớp 10, lứa tuổi ẩm ương khó bảo khiến cô lắm phen hú vía trước những trò nghịch ngợm tinh quái của học trò. Tôi là con gái, cũng thuộc thành phần chăm chỉ nên chẳng mấy khi mắc lỗi. Có mắc thì cũng  đi học muộn vài lần hoặc vi phạm đồng phục. Mấy anh con trai nhiều tội hơn, tội thường xuyên xảy ra là cúp học đi đá bóng hoặc la cà quán xá, có lúc hứng lên bốc đồng ẩu đả….Cô biết cả, nhưng lạ là chẳng đứa nào bị hạ hạnh kiểm. Cô có cách kỉ luật riêng, vừa nghiêm khắc vừa mềm mỏng, cô luôn yêu thương học trò, nhất là là những bạn có hoàn cảnh  đặc biệt. Cô luôn có cách giúp đỡ kín đáo, tế nhị, mãi sau nay khi bạn bè kể lại tôi  mới biết. Những năm ấy cuộc sống của thầy cô và bố mẹ chúng tôi chẳng khá giả gì. Thầy nghèo, trò nghèo. Tôi  nhớ những lần lớp hoạt động tập thể hoặc ngày lễ tết, chốt lại mọi cuộc hành trình là  nhà cô. Rồi thì đứa vo gạo, đứa nhặt rau…. cuối cùng là đánh bay nồi cơm nhà cô. Cứ như vậy suốt ba năm ròng chúng tôi lớn dần lên trong mái ấm A1 thân yêu với một người mẹ hiện tận tụy. Năm cuối cấp đứa nào cũng khôn hơn, bớt nghịch dại và mắc lỗi. Cô đỡ vất vả hơn với lũ học trò, những thành tích của lớp làm nụ cười của cô thêm rạng rỡ . Ngày liên hoan chia tay đứa nào cũng rưng rưng…nhớ cô, nhớ bạn. Tốt nghiệp phổ thông chúng tôi mỗi đứa một nơi, ai cũng theo đuổi ước mơ của mình. Tôi theo ngành sư phạm nối tiếp cô nghề gõ đầu trẻ.

Ra  trường, tôi được phân công về trường cũ. Lại được gặp các thầy cô giáo dạy tôi ngày nào và trở thành đồng nghiệp với cô. Cô vẫn vậy, vẫn dáng người nhỏ bé, nụ cười hiền hậu chỉ khác trên khuôn mặt cô đã in hằn dấu vết của thời gian. Tuổi tác làm sức khỏe cô yếu đi. Có những lúc tôi ái ngại nhìn bước chân tập tễnh vì bệnh xương khớp của cô bước lên bục giảng. Cô vẫn vậy ân cần, bao dung, vẫn nhẹ nhàng, điềm đạm, chẳng mắng học trò bao giờ như cô của  ngày xưa. Cô vẫn bên cạnh chúng tôi những lúc vui, buồn. Vẫn như một người mẹ bao dung, nhân hậu.

Đã gần 10 năm cô về hưu, vì nhiều lẽ tôi ít được gặp cô  hơn. Chỉ đến dịp 20.11 hay ngày tết tôi mới đến thăm cô được. Bạn bè tôi giờ mỗi đứa một nơi, mỗi lần gặp nhau ai cũng hỏi han và nhắc đến cô. Tôi cảm nhận được tình cảm của mọi người dành cho cô trong câu chuyện của họ. Chúng tôi gọi cô là Mẹ Thảo với bao trìu mến. Mà thực vậy mỗi lần đến thăm cô, tôi lại được gói ghém quà mang về lúc mớ rau lúc vài trái cây vườn…cứ như con gái lấy chồng xa về thăm mẹ. Tôi cảm nhận ở cô những tình cảm ấm áp đó không hẳn chỉ là tình cô trò.

Gần 20 năm đứng trên bục giảng, tôi hiểu hơn về thầy cô mình năm xưa. Hiểu được những vất vả nhọc nhằn, những hi sinh thầm lặng của những người đưa đò. Hiểu được những vất vả lẫn niềm hạnh phúc của người giáo viên chủ nhiệm.  Khi đối diện với học trò tôi nhớ lại hành động, lời nói cô chủ nhiệm ngày xưa để giao tiếp với các em. Từ cô, tôi hiểu: Người giáo viên chủ nhiệm có ảnh hưởng rất lớn đến  học trò.Tôi học được bài học giản dị mà thấm thía: Điều gì xuất phát từ trái tim thì sẽ đến với trái tim, tình yêu, sự chân thành sẽ là phương thức hữu hiệu để mỗi thầy cô giáo đến gần học trò. Xin được gửi lời tri ân đến cô người  truyền cảm hứng giúp tôi yêu trò, yêu nghề hơn mỗi ngày.

         Cô Nguyễn Thị Thảo và các thế hệ học sinh trường THPT Trần Quốc Toản

                                                                                                                                                                                                                                                                                 Bài và ảnh:  Nguyễn Thị Thủy