Nghề giáo – Vinh dự và trách nhiệm
Lượt xem:
Dân tộc Việt Nam luôn tư hào với truyền thống hiếu học và tinh thần tôn sư trọng đạo. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, truyền thống quý báu đó vẫn luôn tồn tại và phát triển. Người thầy giáo luôn được nhân dân tin tưởng, yêu mến và ca ngợi. Người ta đã khắc ghi trong tâm của mình với những câu thân thuộc như nhất tự vi sư, bán tự vi sư hay không thầy đố mày làm nên…cả đến khi công thành danh toại người trò cũng không bao giờ quên được công lao người thầy mười năm rèn luyện sách đèn, công danh gặp bước chớ quên ơn thầy.
Người ta thường ví thầy giáo như người chèo đò, chở hết lớp học trò này đến lớp học sinh khác qua sông. Ý nghĩa cao quý nhất của nghề dạy học là ở chỗ người chèo đò là người quyết định con đường đi lên của mỗi lớp học trò, người học trò tin tưởng vào người thầy cũng như người trên thuyền tin tưởng vào tay lái của người cầm lái. Chính vì thế, bên cạnh niềm vinh dự là trọng trách lớn lao của người thầy.
Ảnh minh họa
Lời người xưa “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” cũng là nói lên truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, nói lên sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo. Tuy Đảng và Nhà nước ta luôn ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của các thầy cô giáo nhưng có lẽ đối với người thầy, không có niềm tự hào, vinh dự, xúc động nào hơn khi thấy lớp lớp học trò của mình trưởng thành, khi hàng năm, cứ đến ngày 20/11 lại nhận được những đóa hoa tươi thắm, những lời chúc chân thành của học trò cũ. Quả thật, tình cảm học trò đối với người thầy quả là một phần thưởng lớn dành cho nhà giáo chúng ta.
Tuy nhiên, không phải cứ làm nghề giáo là đáng được tôn vinh. Bởi “Nếu bản thân người thầy không có ngọn lửa thì làm sao truyền ngọn lửa đó cho học sinh. Mỗi học sinh không phải là cái hũ để ta đổ nước cho đầy, mà là một ngọn đuốc nhỏ mà ta phải đốt cho cháy rực”. Người thầy giáo là người có trách nhiệm dạy dỗ học sinh, tức là vừa “dạy” mà vừa phải “dỗ”. Từ “dạy” ở đây là ngoài dạy chữ còn phải dạy cho học sinh cách làm người, từ “dỗ” ở đây là tạo sức lôi cuốn học sinh qua các bài giảng. Muốn được tôn vinh, người thầy hãy để học sinh kính yêu thầy mà vẫn gần gũi, thân thiết với thầy. Yếu tố thứ hai và cũng là yếu tố quan trọng nhất là, người thầy phải có sự hiểu biết rộng lớn về vấn đề mình sẽ trình bày, nhưng khi nói cần ngắn gọn, súc tích, hàm lượng thông tin cao, luôn cập nhật và gợi mở suy nghĩ cho người học. Yếu tố thứ ba là, kỹ năng sư phạm, tức là khả năng diễn đạt cho học sinh hiểu, thấy hấp dẫn, khích lệ sự trao đổi, phát biểu ý kiến của học sinh.
Trong bất kỳ thời đại nào, người thầy có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự trưởng thành của học trò. Người thầy là người nêu gương cho học trò về phẩm chất đạo đức, tinh thần yêu nước, về những lối ứng xử hàng ngày. Về chuyên môn, nghiệp vụ, người thầy là người dẫn dắt, gợi mở cho học trò những hướng nghiên cứu, sáng tạo trong học tập, làm việc, hướng họ tới trách nhiệm, nghĩa vụ cống hiến cho xã hội. Với ý nghĩa đó, ở bất kỳ xã hội nào, thời đại nào, người thầy luôn có vai trò quan trọng đối với sự trưởng thành của học trò, rộng hơn là đối với sự hình thành lớp công dân mới của xã hội.
Xu hướng đổi mới của giáo dục hiện nay là dạy học lấy học sinh làm trung tâm, học sinh là đối tượng vì thế cho nên người thầy phải tôn trọng lợi ích, nhu cầu của người học. Mọi hoạt động giáo dục của người thầy phải hướng tới việc tạo điều kiện thuận lợi để học sinh hình thành nhân cách. Chẳng hạn, đối với một người giáo viên dạy môn văn, bên cạnh việc cung cấp những tri thức văn học mà còn giáo dục cho học sinh thấy Chân – Thiện- Mĩ góp phần xây dựng hình thành nhân cách cho học sinh, sống có lý tưởng tốt đẹp thông qua những tấm gương, những hành động đẹp “người tốt việc tốt”.
Người thầy thời nay, hơn ai hết phải là nhà giáo dục và tất nhiên cũng không có cách nào giáo dục hiệu quả bằng chính nhân cách bản thân mình. Hãy lan tỏa những điều tốt đẹp tới học sinh. Người thầy hãy luôn trau dồi kiến thức chuyên môn, luôn nêu cao tấm gương về lối sống, cũng như tác phong làm việc. Có như vậy, người thầy mới thật sự xứng đáng với những kì vọng, niềm tin nơi nhân dân gửi gắm.
Bài: Đoàn Hân