Giỗ tổ Vua Hùng: Sự trường tồn của văn hóa dân tộc
Lượt xem:
Vào những ngày này, đã là một người dân nước Việt, chắc hẳn ai trong mỗi người cũng đều nhớ đến câu: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”. Giỗ Tổ Hùng Vương – từ rất lâu đã trở thành ngày trọng đại của cả dân tộc, đã in đậm trong cõi tâm linh của mỗi người dân đất Việt. Dù ở phương trời nào, người Việt Nam đều nhớ ngày giỗ Tổ, đều hướng về vùng đất Cội nguồn – xã Hy Cương huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ. Nơi đây chính là điểm hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam. Từ ngàn đời nay Đền Hùng đã là nơi tưởng nhớ, tôn vinh công lao các Vua Hùng, là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.
Giỗ Tổ Hùng Vương hay còn gọi là gày lễ hội Đền Hùng là dịp nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho mọi thế hệ với lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước.
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dầu ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng: Đền Hùng. Lễ giỗ Tổ Hùng Vương cử hành vào ngày mồng mười tháng ba âm lịch hàng năm. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” trở về Đền Hùng, chúng ta như được trở về với cội nguồn nước Việt. Lễ hội Đền Hùng là lễ hội truyền thống của dân tộc Việt Nam, và có một đặc thù riêng là: Phần lễ nặng hơn phần hội. Tâm tưởng người về dự hội là hướng về tổ tiên, cội nguồn với sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc.
Tục thờ cúng Vua Hùng là một di sản văn hóa phi vật thể được thế giới công nhận (ảnh: Internet)
Tham giam rước kiệu lễ dâng Tổ có 41 làng xã thuộc tỉnh Vĩnh Phú. Từ ngàn xưa, trên các cổ kiệu có bày lễ vật, đi kèm có phường bát âm tấu nhạc, cờ quạt, bát bửu, lọng che cùng chiêng trống. Những làng ở xa thường phải rước 2-3 ngày mới tới. Xưa kia, việc cúng Tổ (cử hành) vào ngày 12 tháng 3 (âm lịch) hằng năm. Thường khi con cháu ở xa về làm giỗ trước một ngày, vào ngày 11 tháng 3 (âm lịch)… Đến thời nhà Nguyễn định lệ 5 năm mở hội lớn một lần (vào các năm thứ 5 và 10 của các thập kỷ), có quan triều đình về cúng tế cùng quan hàng tỉnh và người chủ tế địa phương cúng vào ngày 10 tháng 3 (âm lịch). Do đó ngày giỗ Tổ sau này mới là ngày 10 tháng 3 (âm lịch ) hàng năm.
Những năm hội chính thì phần lễ gồm: Tế lễ của triều đình sau đó là phần lễ của dân. Có 41 làng được rước kiệu từ đình làng mình tới Đền Hùng. Đó là những cuộc hành lễ thể hiện tính tâm linh và nhân văn sâu sắc. Các kiệu đều sơn son thếp vàng, chạm trổ tinh vi, được rước đi trong không khí vừa trang nghiêm vừa vui vẻ với sự tham gia của các thành phần chức sắc và dân chúng trong tiếng chiêng, trống, nhạc bát âm rộn rã một vùng. Phần hội gồm các trò chơi dân gian như đánh vật, đu tiên, ném còn, cờ người, bắn cung nỏ… và đặc biệt là các đêm hát xoan, hát ghẹo – hai làn điệu dân ca độc đáo của vùng đất Châu Phong. Có thể nói ngày 10 tháng 3 hàng năm là ngày duy nhất có được của toàn thể người Việt mà sự hân hoan tự nhiên phát ra từ đáy lòng, là ngày giờ linh thiêng khiến giữa tất cả người Việt với nhau thực sự không có sự ngăn cách nào, hai chữ đồng bào thật xúc động, tự hào.
Ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm đã trở thành “điểm hẹn” tâm linh trong mỗi người dân nước Việt. Cứ đến ngày này, dù ai ở xa, dù ai đang bận rộn, dù đi đâu về đâu, cũng tìm đường về chân núi Nghĩa Lĩnh, lòng thành thắp một nén hương tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước. Lễ giỗ Tổ đang đến rất gần, lễ hội không chỉ là ngày hội quần tụ của cả dân tộc mà đó còn là ngày để chúng ta, mỗi người dân Việt khẳng định sức mạnh giống nòi và sức mạnh trường tồn của văn hóa dân tộc./.
Bài: Đoàn Hân