ĐỪNG TIẾC LỜI KHEN KHI DẠY TRẺ NHỎ
Lượt xem:
Khi đời sống của mỗi gia đình ngày càng được nâng cao, nhiều gia đình có điều kiện chăm sóc và nuôi dạy con cái được tốt hơn. Giáo dục thời hội nhập hiện nay có nhiều cơ hội được tiếp cận, học hỏi phương pháp giáo dục tiên tiến, khoa học, nhiều bậc phụ huynh đã chú trọng giáo dục cho con nhỏ rất tích cực. Từ cách ứng xử hàng ngày cho đến lời nói, cử chỉ đều được người lớn ý thức khi giao tiếp với con trẻ. Trong quá trình giao tiếp đó, lời nói và đặc biệt là lời khen lại có tác động lớn tới nhận thức và hành vi, tình cảm của trẻ con.
Tâm lý của mỗi người thì khen và được khen là nhu cầu mà ai cũng mong muốn, bởi lời khen thường mang lại cảm giác dễ chịu cho người nghe hơn gấp nhiều lần ý nghĩa. Lời khen có tác dụng rất lớn gần như trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh. Và đôi khi lời khen lại chính là sự khích lệ tinh thần đúng lúc sẽ mang lại hiệu quả vô cùng to lớn. Với lứa tuổi trẻ con thì đây là lứa tuổi mà các cháu chưa có nhận thức đầy đủ sự việc, hành động, cử chỉ của mình. Mọi hoạt động của trẻ nhỏ lúc này chỉ mang tính bắt chiếc, làm theo hay mô phỏng. Các cháu chưa có ý thức đầy đủ về việc mình làm. Thực tế, nhiều gia đình hiện nay có nuôi dạy trẻ nhỏ sẽ không ít lần gặp nhiều tình huống khó xử, thậm chí là ức chế do trẻ nhỏ gây ra, chẳng hạn như: vứt đồ bừa bại, không chịu ăn, uống, không nghe lời cha mẹ, ông bà, hay đòi hỏi, quậy phá… Đứng trước những tình huống như vậy nhiều bậc phụ huynh đã không kiểm soát được cảm xúc của mình nên nhiều sự việc không hay, phản giáo dục đã xảy ra. Kết quả là cả hai đối tượng đều không có hướng giải quyết vấn đề, đặc biệt, quá trình đó không giáo dục được đức tính gì cho trẻ em. Vậy để giải quyết các vấn đề trên, các bậc phụ huynh thay vì cau có, quát tháo con cái thì hãy bình tĩnh, kiên trì giải thích điều hay, lẽ phải để các em hiểu và nhận thức được hành vi của mình.
Ảnh: minh họa
Song song với việc này, bố mẹ cũng cần tích cực, không tiếc dành cho các em những lời khen mỗi khi các em làm tốt công việc của mình. Bố mẹ hãy là người chú ý, quan tâm đến những hành động nhỏ của con, để dùng lời khen khích lệ tinh thần của con cái. Khi một hành động của trẻ được khen thì trẻ em thường sẽ có xu hướng lặp lại hành vi đó. Ví dụ, một đứa trẻ lúc đầu không chịu ăn thì bố mẹ kiên trì cho con ăn. Lần đầu có thể ăn chút ít nhưng bố mẹ vừa cho ăn vừa khen thì lần sau con sẽ thích thú với việc ăn và ăn nhiều hơn. Hay như một đứa bé bị té ngã, thay vì bố mẹ suýt xoa thương xót rồi chạy đến nâng dạy thì cha mẹ nên để con trẻ tự đứng dạy và sau đó, cha mẹ sẽ dành lời khen như: con giỏi quá, con làm tốt lắm; lần sau con cứ như vậy nhé; mặc dù việc này rất khó nhưng con đã không bỏ cuộc; thái độ làm việc của con thật tuyệt vời; con đã tiến bộ rất nhiều; bố mẹ tin con. Nói như vậy không có nghĩa là lúc nào cũng khen con mà quan trọng cha mẹ tùy vào hoàn cảnh và có những lời khen đủ liều lượng và trúng sẽ mang lại hiệu quả tích cực.
Trong việc dạy con, bố mẹ cũng không nên vội vàng kết tội trẻ con như bày vẽ, nghịch ngợm mà hãy biến điều đó là cơ hội để trẻ tích cực lao động, nhằm phát triển tính cách yêu lao động và làm tăng sự năng động hoạt bát của trẻ trong tương lai.
Lời khen có vai trò và ý nghĩa rất lớn trong việc hình thành nhân cách của con trẻ. Bên cạnh việc quan tâm tới sức khỏe của trẻ, các bậc phụ huynh hiện nay cũng cần có nhận thức đúng đắn về lời khen nói riêng và về hành động, lời nói của mình nói chung. Chỉ khi có phương pháp giáo dục tiến bộ, khoa học, thống nhất thì mới mong trẻ em phát triển một cách trọn vẹn. Trẻ em là tương lai của mỗi gia đình, đất nước. Chú trọng tới việc giáo dục con trẻ từ những lời nói, việc làm cụ thể, chi tiết là việc làm thiết thực, ý nghĩa của mỗi gia đình. Bời gia đình chính là cái nôi hình thành và phát triển nhân cách của trẻ nhỏ./.
Bài: Đoàn Hân