ĐỂ ĐẠT ĐIỂM CAO MÔN NGỮ VĂN

Lượt xem:

Đọc bài viết

       Ngữ Văn là môn thi tốt nghiệp bắt buộc và là một trong ba môn quan trọng của nhiều khối thi. Không ít học trò “đau đầu” với khối lượng kiến thức tương đối nhiều bởi bên cạnh kiến thức cần có thì học sinh phải được nuôi dưỡng niềm say mê và cảm hứng mới viết tốt và đạt kết quả cao.

Để giúp các em học sinh có kĩ năng ôn luyện tốt và thành công trong kì thi tốt THPT Quốc Gia thì yếu tố đầu tiên đó là các em học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và hệ thống hóa kiến thức theo thể loại, tác giả, tác phẩm ngay từ lớp 11. Cần nắm vững cấu trúc đề thi trong các năm gần đây để xây dựng kế hoạch ôn luyện cụ thể. Từ mấy năm nay, Bộ Giáo dục – Đào tạo có một số thay đổi trong cấu trúc đề thi, ngoài phần chung, thí sinh được lựa chọn làm một trong hai câu của phần riêng (không phân biệt đối tượng thí sinh học theo chương trình cơ bản hay nâng cao), do đó thí sinh có thêm nhiều cơ hội khi làm bài.

Thứ hai: học sinh cần nắm vững cách làm bài, các chú ý đối với từng câu hỏi trong đề; định hướng rõ ràng từng phần kiến thức. Cách viết bài cần mạch lạc, kết cấu rõ ràng, khúc chiết, ngắn gọn mà đầy đủ ý. Cũng giống như làm toán, văn cũng có một “công thức” riêng cho từng dạng bài. Bên cạnh đó, có phương pháp ôn tập hợp lý kết hợp giữa học và nghỉ ngơi một cách khoa học. Học văn xen kẽ với học các môn học khác, thay đổi kiến thức ôn tập là một cách thư giãn. Vì vậy, viết văn có cảm xúc nhưng cũng phải biết tiết chế để đạt một mạch ý đầy đủ, tránh sai sót hoặc thiếu ý.

Ảnh: minh họa (Internet)

        Thứ ba, sau khi học sinh đã nắm chắc kiến thức cơ bản về văn lớp 11, 12, các em sẽ thực hành, rèn luyện các đề có sự liên hệ giữa hai lớp 11 và 12. Chẳng hạn như đề: “Phân tích hình tượng ông đò trích tuỳ bút “Người lái đò sông Đà”.Từ đó, liên hệ với nhân vật Huấn Cao trong cảnh cho chữ (Chữ người tử tù) để bình luận ngắn quan niệm về người anh hùng- nghệ sĩ của nhà văn Nguyễn Tuân”. Từ đề cho như trên, trước tiên, học sinh phải nắm chắc nội dung của hai tác phấm, đặc biệt, chú trọng vào yêu cầu của đề bài tác phấm lớp 12, sau đó liên hệ tới tác phẩm lớp 11. Để làm tốt bài này, ngoài việc nắm chắc kiến thức thì học sinh cũng phải có kỹ năng làm kiểu bài nghị luận văn học dạng so sánh hai nhân vật. Trong quá trình viết văn, các em cũng cần lưu ý là nên phân phối hợp lý thời gian, dung lượng nội dung của tác phẩm lớp 12 nhiều hơn, thường theo tỷ lệ 8/2 hoặc 9/1.

Thứ tư, sau khi đã luyện đề thành thục, học sinh sẽ đi vào phán đoán, suy luận kiểu đề ra, tác phẩm nào sẽ ra, tỷ lệ ra là bao nhiêu. Ví dụ, nếu kiểu đề so sánh nhân vật thì thường là tập trung vào các tác phẩm có cùng đề tài, cùng giá trị, cùng tư tưởng như:  Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài và Hai đứa trẻ – Thạch Lam;  Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài và Vợ nhặt – Kim Lân,  Người lái đò sông Đà – Nguyễn Tuân và Chữ người tử tù – Nguyễn Tuân; Hồn Trương Ba, Da hàng thịt – Lưu Quang Vũ và Chí Phèo – Nam Cao, Sóng – Xuân Quỳnh và Vội vàng – Xuân Diệu, Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường và Đây thôn Vĩ dạ – Hàn Mặc Tử. v.v.

Bên cạnh đó, các em cũng cần có phương pháp ôn tập hợp lý kết hợp giữa học và nghỉ ngơi một cách khoa học. Học văn xen kẽ với học các môn học khác, thay đổi kiến thức ôn tập là một cách thư giãn. Chẳng hạn, một ngày các em nên dành ra 1 tiếng để học một tác phẩm, lưu ý việc học tác phẩm cũng phải theo trình tự, theo một hệ thống chương trình, tránh trường hợp bỏ sót tác phẩm hoặc học không theo logic liên văn bản. Cuối cùng, sau khi các em đã nắm vững tất cả kiến thức lớp 11,12, các em cũng nên tìm các tài liệu khác đọc tham khảo như văn mẫu, các kênh trên mạng, tài liệu chuyên khảo, sách chuyên đề…để chọn lọc những câu văn hay, những nhận định giá trị để trong quá trình viết văn, các em sẽ lấy đó làm nguyên liệu “chèn” vào bài làm một cách hấp dẫn và hiệu quả. Với tất cả những lưu ý trên, mong rằng các em học sinh sẽ đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT Quốc Gia năm 2019 sắp tới./.

Đoàn Hân