NÂNG CAO VĂN HÓA NHƯỜNG NHỊN Ở NGƯỜI THAM GIA GIAO THÔNG

Lượt xem:

Đọc bài viết

 

Những năm trở lại đây, ý thức về chấp hành luật An toàn giao thông của người dân đã có những chuyển biến rõ nét. Văn hóa giao thông đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống người dân và có sức lan tỏa sâu rộng. Trong đó, biểu hiện rõ nét nhất đó chính là văn hóa nhường nhịn của mỗi người khi tham gia giao thông. Theo Từ điển Việt – Việt thì “nhường nhịn” được hiểu là chịu nhận phần kém, phần thiệt về mình, để cho người khác được hưởng phần hơn trong quan hệ đối xử. “Văn hóa nhường nhịn” khi tham gia giao thông được hiểu là những thái độ, hành vi, cách ứng xử văn minh, lịch sự mà người tham gia giao thông thực hiện một cách tự nguyện, tự giác trên đường đi.

Cuộc sống hiện đại khi nền kinh tế phát triển, đời sống của người dân được nâng cao thì nhu cầu và phương tiện đi lại của con người ngày càng có xu hướng tăng cao. Một điều dễ nhận thấy đó là nếu như trước kia, một bộ phận người dân còn chưa ý thức được việc chấp hành Luật an toàn giao thông như: phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, sự hiểu biết về kiến thức An toàn giao thông còn hạn chế thì nay với sự vào cuộc đồng bộ của các ban ngành chức năng, đặc biệt là lực lượng cảnh sát giao thông trong về việc nâng cao ý thức của người dân khi thma gia giao thông đã đổi thay tích cực, hiệu quả. Có rất nhiều cách nhận biết biểu hiện của văn hóa nhường nhịn. Chẳng hạn, văn hóa nhường nhịn thể hiện ở việc nhường ghế ngồi cho người già, phụ nữ mang thai, em nhỏ hoặc những người tàn tật trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc nhường việc lên xuống, không chen lấn, tranh giành chỗ ngồi thuận tiện hay thoải mái với những trường hợp này. Em Nhữ Thị Kim Anh, học sinh lớp 12 trường THPT Trần Quốc Toản cho biết: nhà em ở xã Ea Pil, Mađrắc, cách trường 13km, hàng ngày em đi học bằng xe buýt, em thường nhường ghế cho mấy chị có con nhỏ hay người già. Việc làm của em Kim Anh được nhiều người đánh giá, khen ngợi. Đó được xem như là hành động đẹp về cách ứng xử trong văn hóa giao thông, để lại hình ảnh đẹp trong lòng mọi người khi cùng tham gia giao thông.

    Ảnh minh họa

         Bên cạnh, ý thức nhường ghế thì một biểu hiện nữa cũng được nhắc ở đây đó chính là việc nhường đường ưu tiên khi đèn đỏ tại các ngã 4 giao nhau. Trước đây, có một thực trạng là mặc dù đèn đỏ báo hiện các phương tiện dừng lại để nhường đường cho đèn xanh đi qua thì một số người khi không có lực lượng chức năng túc trực giao thông, vẫn ngang nhiên đi qua, đi tắt. Việc làm này, dẫn tới sự khó khăn, nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông khác. Hiện nay, việc các phương tiện giao thông khi dừng đèn đỏ đã trở thành một thói quen, không còn tình trạng vượt đèn đỏ, người dân chấp hành một cách nghiêm túc, nề nếp. Thực tế đó cho thấy, ý thức tự giác chấp hành Luật an toàn giao thông đã đi sâu vào nhận thức, hành động của người dân. Không chỉ có nhường ghế, trong nhiều trường hợp, văn hóa giao thông còn là nhường nhau ở những khúc cua, những ngã tư, ngã ba hoặc từ trong đường hẻm đi ra đường lớn thì người tham gia giao thông đã chú ý quan sát và nhường cho người đi đường chính qua trước. Hành động đó đã giảm được nguy cơ tai nạn giao thông. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp thì biểu hiện văn hóa nhường nhịn còn được thể hiện ở việc người tham giao thông có những lời xin lỗi, xin bỏ qua khi để xảy ra tình trạng va quệt đáng tiếc. Đây được xem là biểu hiện văn hóa, góp phần giảm thiểu được xung đột giao thông không đáng có.

Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa. Khi tham gia giao thông vào những thời điểm trời mưa thì người tham gia giao thông cũng cần nhường nhau trong việc đi lại. Chẳng hạn, ở  nơi có những vũng nước đọng, đường xấu, xe lớn nên giảm tốc độ để nước khỏi bắn lên các phương tiện khác, không làm ảnh hưởng tới quá trình lưu thông người khác. Xe máy cũng cần giảm ga khi gặp những cụ già hay trẻ em đi trên đường, tránh tạt nước bẩn làm ướt người đi đường. Xe đi sau cũng cần chờ đợi, nhường đường cho người đi trước, không nên phóng nhanh, vượt ẩu.

Văn hóa nhường nhịn trong khi tham gia giao thông là biểu hiện nét đẹp, văn minh trong ứng xử giữa con người với con người. Nó xuất phát từ sự hiểu biết, ý thức tôn trọng luật pháp. Từ đó chuyển biến thành hành động, đạo đức, lương tâm và trách nhiệm của mọi người dân trong toàn xã hội./.

Bài: Đoàn Hân