Xây dựng văn hoá giao thông cho học sinh

Lượt xem:

Đọc bài viết

       Những năm gần đây, an toàn giao thông đang là vấn đề lớn được cả xã hội quan tâm. Ngành giao thông cùng các cơ quan ban ngành đã có nhiều cuộc phát động nhằm tuyên truyền luật an toàn giao thông tới từng trường học với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, sinh động, có hiệu quả nhất định. Ý thức chấp hành giao thông đã được nâng cao rõ rệt ở tất cả các cấp học. Tuy nhiên, vẫn còn có những học sinh không quan tâm gì đến những khẩu hiệu, biển báo giao thông, không quan tâm tới an toàn của của bản thân – hiện tượng học sinh không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện là một hiện tượng xảy ra khá phổ biến trong thời gian gần đây.

       Thời gian qua, tình trạng nhiều em học sinh vẫn vi phạm luật an toàn giao thông, các lỗi các em thường mắc phải đó là: điều khiển xe mô tô phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định, đi vào đường cấm, đường ngược chiều gây cản trở giao thông; không có đăng ký, biển số, giấy phép lái xe.

       Trong đó, tình trạng nhiều em học sinh trước thời điểm có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho người điều khiển xe gắn máy, xe đạp điện ngày 10/04 thì nhiều em học sinh còn đi xe mô tô,  đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, dùng ô khi điều khiển xe đạp, xe máy diễn ra khá phổ biến. Chúng ta có thể dễ dàng quan sát học sinh khi tan trường, thường “tụm năm, tụm ba”, dừng đỗ xe dưới lòng đường; đi xe đạp dàn hàng ba, hàng bốn hay đi xe máy, thậm chí kẹp ba, kẹp bốn, lạng lách, đánh võng.Vừa điểu khiển phương tiện giao thông vừa nghe điện thoại v.v. Em Nguyễn Văn Tài, học sinh trường cấp 3 huyện Ea Kar cho biết: em vẫn biết không đội mũ bảo hiểm là vi phạm nhưng do em thấy mũ bảo hiểm nặng nên không thích đội, do đi vội nên quên. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên là do các em  không có ý thức, không biết được tác hại của việc đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, hoặc do bận công việc  mà quên không đội mũ bảo hiểm để giữ an toàn cho cá nhân và mọi người tham gia giao thông khác. Nhưng cũng phải kể đến nguyên nhân nữa  là do các em có tư tưởng chủ quan, đội mũ bảo hiểm chỉ để đối phó với các lực lượng chức năng, chưa chú trọng việc đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình. Nhiều người cũng chưa phân biệt được đâu là mũ đạt chuẩn và đâu là mũ kém chất lượng. Tình trạng kinh doanh mũ bảo hiểm nhái, kém chất lượng tràn lan với mẫu mã đẹp, bắt mắt, hợp thời trang và giá thành rẻ cũng đã “thu hút” sự lựa chọn của nhiều em. Một chiếc mũ bảo hiểm có chất lượng tốt có giá gần 400 ngàn đồng, còn những chiêc mũ bảo hiểm kém chất lượng chỉ có giá vài chục ngàn đồng, nên nhiều học sinh chỉ đội cho có, để đối phó các cơ quan chức năng.

      Tác hại của việc không đội mũ bảo hiểm thì ai cũng rõ đó là sẽ gây ra những thiệt hại về tài sản, sức khỏe. Hơn nữa còn gây ra những vụ tai nạn đáng tiếc, tốn thì giờ,ảnh hưởng tới công việc. Còn đối với gia đình người gặp nạn sẽ lo lắng nếu những người đi xe bị phạt tiền,còn nếu xảy ra tai nạn sẽ để lại nỗi đau trong lòng người thân.

      Để giảm thiểu vấn đề trên, môi trường nhà trường có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền luật an toàn giao thông. Bởi lẽ, phần lớn thời gian các em ở trên trường, do vậy nhà trường cũng cần tổ chức các diễn đàn, các buổi ngoại khóa, tổ chức các cuộc thi nhằm tuyên truyền luật an toàn giao thông tới từng học sinh. Đoàn thanh niên nhà trường cũng cần phát động nhiều phong trào với các khẩu hiệu như  “Văn hóa giao thông, đồng hành tuổi trẻ”, “Văn hoá giao thông là không tai nạn”, “Một ý thức giao thông, triệu nụ cười hạnh phúc”, “Xây dựng xã hội giao thông văn minh, đầy tình người và không tai nạn”…  Ngoài ra nhà trường nên biểu dương kịp thời những tấm gương học sinh đã có những ứng xử đẹp khi tham gia giao thông. Các thầy cô giáo cũng thường xuyên nhắc nhở, góp ý tới từng học sinh. Bên cạnh đó, việc tổ chức cho học sinh xem những hình ảnh về các lỗi vi phạm, về hậu quả của các vụ tai nạn giao thông cũng có thể có sức tác động mạnh mẽ hơn nhiều buổi tuyên truyền, kêu gọi khô khan, đơn điệu. Về phía gia đình, tùy thuộc vào độ tuổi của con em cần có những hướng dẫn về kỹ năng tham gia giao thông, đồng thời thường xuyên nhắc nhở, giáo dục về những tác hại, hậu quả của việc vi phạm an toàn giao thông.

      Văn hóa khi tham gia giao thông là một bộ phận của văn hóa nơi công cộng, là tập hợp các cách thức xử sự, ứng xử, chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, là tuân thủ của các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông.

       Xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh là việc làm hết sức quan trọng và có ý nghĩa sâu rộng. Bởi lẽ học sinh là thế hệ tương lai của đất nước, của mỗi gia đình. Giáo dục ý thức văn hóa giao thông cho các em ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường sẽ tạo dựng cho đất nước những thế hệ có ý thức chấp hành tốt luật an toàn giao thông. Điều này cũng có nghĩa là các em sẽ có sự tác động ngược trở lại, có sự phản chiếu rất tích cực, hiệu quả đối với người thân trong gia đình các em. Có như vậy, tham gia giao thông mới thật sự là nét văn hóa đẹp, bền vững trong mỗi người.

      An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội. Tuổi trẻ học đường với tư cách là chủ nhân tương lai của đất nước, là thế hệ tiên phong trong nhiều lĩnh vực, có sức khỏe, có tri thức cần có những suy nghĩ và hành động đúng đắn và gương mẫu thực hiện những giải pháp thiết thực để góp phần góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và để mỗi khi ra đường chúng ta không còn có cảm giác bất an khi tham gia giao thông.

Đoàn Văn Hân